Để có thể sở hữu các cảng biển, đòi hỏi cần số vốn đầu tư khổng lồ, song đó không phải trở ngại đối với một số nhà đầu tư trong nước. Nhiều “đại gia” đang tham vọng đặt chân vào “mảnh đất màu mỡ” này khiến danh sách nhà đầu tư đăng ký đầu tư cảng biển ngày càng dài ra, trở thành “làn sóng” lớn dần.
Mở cửa…
Vào khoảng giữa năm 2014, theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), một loạt
công ty vận chuyển hàng hoá kinh doanh cảng biển như Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh đã tiến hành chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) một cách dồn dập, tuy nhiên, kết quả đã không như mong đợi.
Lượng cổ phần bán được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với lượng chào bán, tạo nên hiện tượng “IPO và ế”. Chỉ vài tháng, thị trường đã chứng kiến “gió đổi chiều”, đợt IPO lần 2 của cảng Đà Nẵng, năm nhà đầu tư cá nhân đã mua hết 13,2 triệu cổ phần được chào bán, với giá bình quân 15.677 đồng/cổ phần, cao vọt hẳn so với mức giá khởi điểm 12 nghìn đồng trước đó. Cảng Hải Phòng và Cảng Quảng Ninh cũng “đắt khách” với đề xuất chuyển nhượng của Quỹ đầu tư Oman và Tập đoàn T&T. Cuối năm 2014, phiên đấu giá cổ phần cảng Nghệ Tĩnh, 47 nhà đầu tư đã đăng ký mua hơn 8,57 triệu cổ phần, gấp 2,2 lần số cổ phần chào bán. Công ty Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) đã đề xuất và được UBND tỉnh Khánh Hòa chấp thuận cho phép mua lại toàn bộ số cổ phần trị giá 85 tỷ đồng của Vinalines tại Cảng Nha Trang. Chưa hết, Vingroup tiếp tục đề xuất mua 80% số cổ phần Cảng Sài Gòn trước khi Nhà nước thoái vốn với mức không thấp hơn giá IPO dự kiến diễn ra vào giữa năm nay. Với Cảng Hải Phòng, Vingroup đề nghị mua lại 80% số phần vốn nhà nước với giá mua không thấp hơn giá đấu bình quân mà các nhà đầu tư đã bỏ ra để trở thành cổ đông của cảng.
Sở dĩ có hiện tượng “gió đổi chiều” này là do Chính phủ đã thay đổi chủ trương, Nhà nước không cần nắm tỷ lệ chi phối tại các DNNN, thoái vốn sâu hơn tại các cảng biển khi tiến hành cổ phần hóa. Việc Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại các DN cổ phần hóa vẫn bị đánh giá là cản trở khiến cho nhà đầu tư không mặn mà với các đợt IPO. Khi nút thắt này được mở, sức hấp dẫn của DN đã được nâng lên. Theo đó, Nhà nước chỉ giữ 51% vốn tại các cảng lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Sài Gòn và nắm 49% tại các cảng Cần Thơ, Nghệ Tĩnh, Cam Ranh (thay vì 75% như trước đó), các cảng còn lại có thể thoái vốn toàn bộ. Thậm chí, Cảng Quảng Ninh (cảng lớn thứ hai miền bắc) đã được Tập đoàn T&T nhiều lần có văn bản đề xuất Bộ GTVT được nhận chuyển nhượng 100% cổ phần Nhà nước tại cảng.
Đơn vị chủ quản (Tổng công ty Vinalines) của Cảng Quảng Ninh đề xuất Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng toàn bộ 49 triệu cổ phần của cảng (hơn 98% vốn điều lệ) mà Vinalines đang nắm giữ cho Tập đoàn T&T với giá 10 nghìn đồng/cổ phần.
Số vốn khoảng 500 tỷ đồng để thay thế vai trò cổ đông chi phối, tuy không nhỏ nhưng cũng không đến mức khiến tập đoàn T&T phải đau đầu.
Theo một nguồn tin, hiện Bộ GTVT đã chấp thuận đề xuất nêu trên. Đầu tư vào cảng biển, nếu nhà đầu tư có năng lực quản trị tốt, sẽ thu lợi nhuận cao và bền vững, còn Vinalines cũng có một khoản tài chính cần thiết giúp tái cơ cấu DN.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, kinh doanh cảng biển đem lại tỷ suất lợi nhuận trung bình 14%. Thống kê một số DN cảng biển đang niêm yết trên sàn giao dịch, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần trung bình lên tới 29,5%. Đầu tư vào cảng và thị trường tăng trưởng ổn định 10% đến 15% như hiện nay, đó là sự đầu tư có khả năng sinh lời mơ ước của nhiều nhà đầu tư.
Nguồn từ báo Nhân dân